Phú Tâm đổi mới sau đạt chuẩn nông thôn mới
27/06/2022
Phú Tâm là một trong tám đơn vị hành chính cấp xã của huyện Châu Thành, (Sóc Trăng), xã có diện tích tự nhiên hơn 4.099 ha, dân số toàn xã có 4.479 hộ, dân tộc Kinh chiếm hơn 54%, dân tộc Khmer chiếm gần 42% và đời sống của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi và từ một xã có xuất điểm thấp chỉ đạt 6/19 tiêu chí (2011) khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), qua 11 năm triển khai thực hiện chương trình xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của xã khang trang, thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn 2,3%.
Để triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn xã đúng lộ trình đề ra ngay sau khi có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới (2011), UBND xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo XDNTM của xã và Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo (BCĐ), phân công từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện từng tiêu chí cụ thể.

Bộ mặt xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) khang trang sau khi xã đạt chuẩn xã nông thôn mới
Thông qua, việc xây dựng các kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã Phú Tâm đã đạt được các thành quả đáng kể trong XDNTM, đặc biệt là sự chuyển biến mạnh mẽ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực đem lại nguồn thu nhập cho người dân địa bàn xã cũng như liên quan đến nhiều tiêu chí đạt chuẩn NTM. Do đó, để phát triển nông nghiệp UBND xã đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất, phân vùng, cơ cấu lại mùa vụ. Qua đó, diện tích cánh đồng lớn trên địa bàn xã ngày càng mở rộng, diện tích lúa đặc sản đạt cao hơn so với quy hoạch, chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung dưới hình thức trang trại, gia trại và các mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng an toàn. Cùng với đó, trong sản xuất cũng đã áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng thông qua việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa đạt 100%; làm đất, bơm tưới đạt 100%, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, để tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông vận chuyển hàng hóa, UBND xã Phú Tâm đã tranh thủ nguồn kinh phí từ cấp trên đầu tư xây dựng các công trình về cơ sở hạ tầng và cho tới thời điểm hiện tại giao thông một số tuyến đường trên địa bàn xã đã được nhựa hóa đạt 100%; số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia 5/5 trường đạt 100% tăng hơn 83% so với năm 2011. Có 10/10 ấp đều có nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao, đảm bảo phục vụ nhu cầu về văn hóa thể thao cho người dân. Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn bộ xây dựng đạt trên 85% và xã không còn nhà tạm, dột nát; có 10/10 ấp đều đạt ấp văn hóa, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh gần 100%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt gần 74%.
Nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của các cấp ngành và địa phương cùng cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã là hơn 50 triệu đồng/người/năm, tăng gần 31 triệu đồng/người/năm so với năm 2011 và tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động gần 96%, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 2,3%, giảm hơn 19% so với năm 2011.
Phát biểu tại buổi lễ công bố xã Phú Tâm, huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM vào đầu tháng 3 vừa qua, đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chúc mừng thành tựu, kết quả XDNTM của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Phú Tâm trong XDNTM bởi đây là hành trình không có điểm dừng. Do đó, được công nhận xã NTM chỉ là bước khởi đầu, phải tiếp tục giữ vững và phát huy cao hơn (xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh). Qua đó, đồng chí Vương Quốc Nam đề nghị xã Phú Tâm tiếp tục nỗ lực, khẩn trương bước vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh; không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về XDNTM. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá về huy động nguồn lực cho XDNTM; phát triển kinh tế nông thôn theo chiến lược “hợp tác, liên kết thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong XDNTM…
Bài, ảnh; THÚY LIỄU - Báo Sóc Trăng