Trạm quân dân y xã Lai Hòa, điểm tựa của đồng bào dân tộc Khmer khu vực biên giới biển
      Những năm qua, BĐBP tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều mô hình giúp dân sát với tình hình địa bàn, đơn vị, trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn đóng quân được quan tâm chú trọng. Những trạm xá quân dân y kết hợp thực sự trở thành “điểm tựa” giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới biển của tỉnh.

    Trạm quân dân y xã Lai Hòa có tổng số 5 y sĩ, trong đó có 2 nữ,  Trạm do Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Thái Minh Phong, quân y Đồn Biên phòng Lai Hòa làm Trạm trưởng. Các y sĩ của địa phương phối hợp, gồm: Thạch Chanh Sa Quy, Kiên Na Riêng (dược sĩ đại học), nữ hộ sinh Hứa Mỹ Huỳnh (cao đẳng hộ sinh) và y sĩ Lâm Thùy Trang.

    Đã hơn 10 giờ trưa, nhưng các y sĩ Trạm quân dân y xã Lai Hòa vẫn thay nhau khám bệnh và điều trị cho người dân. Như mọi ngày, hôm nay, ông Huỳnh Thon, ấp Prey chóp B,  xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu tiếp tục đến trạm xá điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu. Ông Huỳnh Thon cho biết: “Năm nay tôi mới hơn 50 tuổi, nhưng sức khỏe yếu, trong người thường xuyên đau nhức. Do hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày, tôi vẫn phải chạy xe ôm kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Tôi muốn đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn nhưng không có đủ kinh phí, thật may mắn là có Trạm quân dân y ở đây mà tôi và bà con ở vùng quê này được khám bệnh, tiết kiệm chi phí”.

Ảnh: Trạm quân dân y xã Lai Hòa khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo trên địa bàn xã Lai Hòa.

    Nằm giường bên cạnh, anh Trần Minh Đạt đang được y sĩ Thạch Chanh Sa Quy rút kim châm và dặn dò liệu trình điều trị tiếp theo. Qua hỏi thăm thì chúng tôi được biết, anh Đạt năm nay gần 50 tuổi, ngụ tại ấp Prey Chóp, xã Lai Hòa. Là lao động chính trong gia đình, nhưng cách đây 1 năm, anh đã bị tai biến. Ngày đó, 1 cánh tay anh không thể giơ lên được, chân đi cũng tập tễnh, nhưng nhờ có các y sĩ của trạm tận tình giúp đỡ, gần 1 năm nay, sức khỏe của anh Đạt đã dần hồi phục, cánh tay có thể đưa lên từ từ, nhưng vẫn chưa lao động được. Trạm quân dân y  này chính là "cứu cánh" giúp gia đình anh Đạt bớt gánh nặng chi phí điều trị bệnh.

    Trung tá QNCN Thái Minh Phong cho biết: Lai Hòa là xã còn nhiều khó khăn của thị xã Vĩnh Châu, tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 50%, bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ven biển. Trung bình mỗi tháng, Trạm quân dân y tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho khoảng 1.000 lượt người, có tháng cao điểm lên đến hơn 2.000 lượt người. Trạm có 2 y sĩ và 1 nữ hộ lý là người dân tộc Khmer, am hiểu phong tục tập quán, cùng nói tiếng của đồng bào nên rất thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh cho người dân. Bà con thường đến khám bệnh đông nhất từ khoảng 6 đến 8 giờ sáng, khám xong còn đi lao động. Ngoài giờ cao điểm buổi sáng, thì một số bà con đi chợ, đi làm ngoài đồng, trên đường về tranh thủ ghé trạm thăm khám, xin thuốc. Do đó, tại trạm, cán bộ y tế trực 24/24 giờ để phục vụ bà con. Tuy cơ sở vật chất, quy mô của trạm  nhỏ, nhưng mỗi y sĩ của trạm đều có chuyên môn riêng, đáp ứng nhu cầu thăm khám về sản, nhi, đa khoa, đông y... Những bệnh nặng, khó thì chúng tôi vận động bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Ngoài thăm khám tại trạm, các y sĩ của trạm còn đến tận nhà các bệnh nhân là gia đình chính sách, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng không thể đến trạm để thăm khám; đồng thời, phối hợp với các tổ, đội công tác của Đồn Biên phòng Lai Hòa, các chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên của địa phương thường xuyên tuyên truyền cho bà con về cách phòng chống một số dịch bệnh như: Sốt rét, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết...

    “Điển hình như hoàn cảnh của anh Lý Huỳnh Sang, ngụ tại ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, là hộ nghèo của địa phương, anh Sang bị tai nạn lao động dẫn đến phải cắt bỏ một bàn chân đi lại rất khó khăn, hiện tại sống cùng mẹ già. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Sang, tôi thường xuyên trực tiếp đến tận nhà thăm, khám bệnh cho anh. Mỗi lần đến, chúng tôi còn kết hợp với các đoàn thể tặng nhiều phần quà cho gia đình, như gạo, mì, nước tương, dầu ăn....” - Trung tá QNCN Thái Minh Phong thông tin thêm.

    Nữ hộ sinh Hứa Mỹ Huỳnh chia sẻ: “Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp chị em phụ nữ là người đồng bào dân tộc Khmer quên ngày sinh, hoặc không kịp đến các trung tâm y tế mà sinh tại nhà. Nhận được tin báo các trường hợp sinh tại nhà là cán bộ của trạm xuống tận nơi hỗ trợ cắt dây rốn cho em bé, hướng dẫn người mẹ chăm sóc sức khỏe sau sinh... Không có nữ hộ sinh trực thì y sĩ nam cũng xuống để hỗ trợ sản phụ sinh nở”.

    Nói về hiệu quả của Trạm quân dân y xã Lai Hòa, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Đệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lai Hòa cho biết, kể từ khi trạm quân dân y  đi vào hoạt động từ năm 2001, ngoài thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ số thuốc phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng khám còn thực hiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và cấp cứu, điều trị ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, những ca bệnh nặng, nguy hiểm, phức tạp được cấp cứu ban đầu rồi chuyển lên tuyến trên điều trị. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của trạm xá còn nhiều hạn chế, nhưng các y sĩ luôn khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được bà con nhân dân tin tưởng, quý mến. Trạm quân dân y xã Lai Hòa thực sự là địa chỉ tin cậy, mang đến niềm vui cho bệnh nhân nghèo, nhất là đồng bào Khmer trên địa bàn đơn vị quản lý.

Văn Long

Lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Nguyên Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ qua các thời kỳ Quang cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng Tập thể điển hình Cá nhân điển hình Cá nhân điển hình Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ôn lại truyền thống 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng Đồng chí Lâm Văn Mẫn – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu trong buổi họp mặt Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Cẩm Đào trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Dương Sà Kha
video

Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 340
  • Trong tuần: 1 014
  • Tất cả: 457110
Cơ quan chủ quản: Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng - Thường trực BCĐ Quy chế Dân chủ cơ sở Địa chỉ: 247 Nguyễn Trung Trực, Phường 2, TP Sóc Trăng Điện thoại: 0299.3822966 - 0299.3812250; Fax: 0299.3822966; Email: trangtinbandanvansoctrang@gmail.com Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Biên tập - Website: http://www.danvan.soctrang.gov.vn.