Sóc Trăng phát huy hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ việc dạy tiếng và chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác triển khai thực hiện chính sách luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể các cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 05/3/2020 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, công chức các cấp thực hiện công tác dân tộc, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vị Trụ trì, Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các trường ngoài hệ thống trường công lập có dạy tiếng và chữ Hoa trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao nhận thức của xã hội và ý nghĩa của chính sách đặc thù hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn, duy trì và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh làm việc tại huyện Kế Sách
Qua giám sát, từ năm 2020 - 2024: Việc thực hiện hỗ trợ cho người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè hằng năm (02 tháng/năm): Tổng kinh phí thực hiện chi hỗ trợ cho người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè hằng năm ở các chùa khoảng 9,4 tỷ đồng. Đối với thực hiện hỗ trợ giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập, từ năm học 2020 - 2021 đến 2023 - 2024): Với tổng kinh phí thực hiện chi hỗ trợ cho giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập khoảng 2,5 tỷ đồng.
Giám sát tại chùa Pô Thi PhĐôk xã Kế Thành, huyện Kế Sách
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành chức năng liên quan và các địa phương rất quan tâm, ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và tuyên truyền, phổ biến chính sách bằng nhiều hình thức cả trên phương tiện thông tin đại chúng đến người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chính sách.
Qua kết quả giám sát có thể thấy chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã nâng cao nhận thức của người dân và có ý nghĩa nhân văn xã hội sâu sắc; tạo được niềm tin trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước về sự quan tâm và trách nhiệm đối với các dân tộc thiểu số, đã mang lại lợi ích thiết thực, góp phần bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát trao đổi với sư trụ trì Chùa Somrong tại TP. Sóc Trăng
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Sách giáo khoa dạy tiếng và chữ Khmer tại các điểm chùa vẫn còn sử dụng bộ sách giáo khoa cũ (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành); một số điểm chùa tổ chức mở lớp dạy còn thiếu cơ sở vật chất như: bộ sách giáo khoa cho học sinh, bàn ghế, bảng,…, phải mượn các phòng học ở các trường gần chùa hoặc mượn cơ quan Ban nhân dân ấp, khóm, nhà Văn hóa, nhà dân để tổ chức các lớp học nên việc dạy và học gặp khó khăn; các Trường tổ chức giảng dạy tiếng và chữ Hoa chưa tổ chức đúng nội dung chương trình này (do bộ sách giáo khoa cũ không còn phù hợp với yêu cầu dạy và học), vừa không đảm bảo đúng quy định, vừa khó khăn trong việc chi hỗ trợ;… Ngoài ra, Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ cho người dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập, nhưng trên thực tế một số địa phương muốn mở các lớp riêng để dạy tiếng và chữ Hoa theo nhu cầu thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ của chính sách.
Có thể khẳng định, việc ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh là chính sách rất thiết thực, kịp thời và hợp lòng dân, góp phần duy trì và phát huy hiệu quả việc dạy tiếng và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích và giải quyết được một phần khó khăn cho người dạy tiếng và chữ dân tộc thiểu số trong các năm qua trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Yên