Trong nỗ lực giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, giúp bà con dân tộc thay đổi tập quán sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một trong những kết quả nổi bật trong năm qua, là thành phố triển khai thực hiện tốt 2 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn từ các chương trình đã hỗ trợ xây dựng các mô hình đa dạng hóa sinh kế như: nuôi ếch, nuôi cá, trồng rau màu góp phần tăng thu nhập. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố cấp 779 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đạt tỷ lệ 100%, tổng kinh phí là 455 triệu đồng; 9.582 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, đạt tỷ lệ 98,76%; bàn giao 08 căn nhà đại Đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.
Ảnh: Bà con Phật tự được tạo điều kiện tự do sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Thượng tọa Lý Minh Đức, Trụ trì chùa Som Rông, phường 5, thành phố Sóc Trăng cho biết: Năm nay đời sống của đồng bào Khmer ở phường 5 có sự phát triển vượt bậc, việc sản xuất lúa thuận lợi, trúng mùa, trúng giá. Bà con cũng tuân thủ rất tốt các chủ trương ở địa phương, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ông Lâm Qui, khóm 1 phường 10, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chuyển biến, trên địa bàn phường 10 hạ tầng giao thông được đầu tư, trường học được xây mới, tạo điều kiện để con em đến trường học tập. Nhà nước cũng hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, nhờ đó giúp bà con áp dụng và đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Song song đó, thành phố còn tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng đồng bào dân tộc như đường giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học, trạm y tế, ... tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc. Bên cạnh, lĩnh vực giáo dục ở vùng có đông đồng bào Khmer cũng được thành phố đặc biệt quan tâm, như xây dựng thêm trường lớp, mở các lớp phổ cập cho trẻ em trong độ tuổi và người lớn tuổi; tăng cường giảng dạy Khmer ngữ tại các trường có đông học sinh dân tộc; đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất cho học sinh Khmer nghèo, giúp các em đến trường. Mặt khác, cấp ủy - chính quyền các cấp còn quan tâm duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi để các chùa và bà con phật tử Khmer được tự do sinh hoạt tín ngưỡng.
Ảnh: Thành phố Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho đồng bào dân tộc Khmer
Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Linh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sóc Trăng nói: Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố cũng huy động các nguồn để hỗ trợ cho người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, để bà con phát triển kinh tế gia đình. Đối với những trường hợp bức xúc về nhà ở, Thành ủy cũng chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố rà soát xây dựng và sửa chữa nhiều căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ bức xúc về nhà ở, giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.
Bằng những giải pháp đồng bộ, đến nay thành phố chỉ còn 171 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,52%, dự kiến đến cuối năm 2024 thành phố sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,07% (tương đương 21 hộ nghèo). Những đổi thay trên vùng đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố Sóc Trăng đã khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đã thật sự đi vào đời sống và phát huy có hiệu quả. Đây là nền tảng và là động lực thúc đẩy bà con Khmer thành phố Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần cùng với địa phương phát triển kinh tế, xã hội ngày thêm bền vững./.
Lê Vũ