Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
      Công tác hòa giải ở cơ sở đã gắn nhiệm vụ hòa giải với công tác dân vận, tích cực vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của công tác hòa giải trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Đó là những kết quả nổi bật mà công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua.

    Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Luật ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

      Xác định tầm quan trọng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Công văn số 708-CV/TU, ngày 18/6/2014 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 29/2014, ngày 10/12/2014 về việc quy định mức chi đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

    Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các đối tượng liên quan cũng được tăng cường. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80-KH/UBND ngày 03/12/2013 về triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, quy định trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Luật và các văn bản liên quan. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật hòa giải ở cơ sở được chú trọng thông qua kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, phối hợp tổ chức triển khai công tác hòa giải ở cơ sở. UBND cấp huyện căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hòa giải ở cơ sở và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này tại địa phương để chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

 

Ảnh: Các tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động

 

    Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện hằng năm với nhiều hình thức; như ban hành văn bản để triển khai thực hiện, tổ chức các hội nghị tập huấn, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp, sinh hoạt, trợ giúp pháp lý lưu động, cấp phát sổ tay pháp luật, sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở dành cho hòa giải viên ở cơ sở... UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp hỗ trợ các địa phương tổ chức 161 hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh với 30.280 đại biểu là tập huấn viên cấp tỉnh, tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở tham dự. Hoạt động này đã triển khai kịp thời các quy định liên quan công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện cho các hòa giải viên trực tiếp trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã biên soạn và cấp phát miễn phí trên 28.000 Sổ tay Hòa giải ở cơ sở và trên 9.000 Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; 17.670 tài liệu pháp luật, văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua cho đối tượng là tổ hòa giải và các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Các Sổ tay hòa giải ở cơ sở được biên soạn chú trọng nội dung về quy trình thực hiện hòa giải, các tình huống điển hình cụ thể để các hòa giải viên có thể học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn hòa giải các vụ việc cụ thể. Các địa phương còn có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn, phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở… Các hoạt động này góp phần nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở.

    Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 23/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 01/11/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, để việc tổ chức triển khai được đồng bộ, thống nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch liên tịch số 32/KHLT-UBND-UBMTTQ ngày 27/12/2021 về việc phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, quy định cụ thể trách nhiệm của UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã, Ban công tác Mặt trận ấp, khóm triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Công tác phối hợp với các sở ngành chức năng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được tăng cường.

    Công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 780 tổ hòa giải với 4.448 hòa giải viên. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, lựa chọn các hòa giải viên theo đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở (cơ cấu mỗi tổ hòa giải có ít nhất 01 nữ; vùng đồng bào dân tộc có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc; khuyến khích các địa phương cơ cấu Trưởng ban nhân dân khóm, ấp tham gia làm tổ trưởng hòa giải). Hiện nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Trưởng ban nhân dân ấp, khóm được bầu làm Tổ trưởng tổ hòa giải chiếm 77,8%, Ban công tác Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội người cao tuổi và những người có uy tín trong Nhân dân. Từ năm 2013 đến năm 2023, các Tổ hòa giải ở cơ sở trong tỉnh tiếp nhận, đưa ra hòa giải là 37.686 vụ, kết quả hòa giải thành là 32.003 vụ, đạt tỉ lệ 84,92%. Riêng trong năm 2024, tiếp nhận và đưa ra hào giải 3.145 vụ, hòa giải thành 2.802 vụ, đạt tỷ lệ 89,1%. Theo đó, các mâu thuẫn, tranh chấp phổ biến được hòa giải thuộc lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình...

    Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua được quan tâm triển khai thực hiện mang lại hiệu quả nổi bật và dần đi vào nề nếp; nhận thức của cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở được nâng cao. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống; khẳng định được vị trí, vai trò của công tác hòa giải trong đời sống xã hội.

    Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải; xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh cho hoạt động của Tổ hòa giải; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hoà giải của hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương./.

Hồng Phúc

Lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Nguyên Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ qua các thời kỳ Quang cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng Tập thể điển hình Cá nhân điển hình Cá nhân điển hình Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ôn lại truyền thống 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng Đồng chí Lâm Văn Mẫn – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu trong buổi họp mặt Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Cẩm Đào trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Dương Sà Kha
video

Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 236
  • Trong tuần: 996
  • Tất cả: 452770
Cơ quan chủ quản: Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng - Thường trực BCĐ Quy chế Dân chủ cơ sở Địa chỉ: 247 Nguyễn Trung Trực, Phường 2, TP Sóc Trăng Điện thoại: 0299.3822966 - 0299.3812250; Fax: 0299.3822966; Email: trangtinbandanvansoctrang@gmail.com Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Biên tập - Website: http://www.danvan.soctrang.gov.vn.