Hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã chỉ đạo cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn (có 05 lớp với hơn 400 lượt người dự) như: chuyên đề “Khởi nghiệp và xây dựng kế hoạch kinh doanh”, “Xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh”. Huyện Hội chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và kỹ năng cần thiết cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp; tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, truyền thông, tín dụng, quản lý tài chính. Các lớp tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với các nội dung như cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; ứng dụng nền tảng công nghệ số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, tập huấn sở hữu trí tuệ…
Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để việc hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế được hiệu quả, các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chị em phụ nữ có kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật cho các ý tưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, gia công hàng thủ công mỹ nghệ, làm nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, sàn giao dịch điện tử. Hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý 01 Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa với 20 thành viên, kinh doanh nhiều mặt hàng như chả cá rô phi, khô cá rô phi, mắm tép, muối tôm, mắm cá sặc, mắm cá lóc, nước chấm hải sản, chả lụa... Trong đó, có 09 sản phẩm đạt OCOOP 3 sao và nhiều sản phẩm tiềm năng khác. Có thể nói, các nội dung hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp giúp chuyển đổi số và kinh doanh online cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực cho gần 400 chị em hội viên phụ nữ trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Ảnh: Tham gia Ngày hội kết nối kinh doanh năm 2024, trong đó gian hàng Phụ nữ Khởi nghiệp với các sản phẩm phong phú, đảm báo chất lượng gửi đến người tiêu dùng
Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả
Song song với mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, hỗ trợ và khuyến khích phát triển mô hình phụ nữ phát triển kinh tế/tổ hợp tác/hợp tác xã, trong năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã phối hợp thành lập mới 01 Hợp tác xã “Sinh kế Hồng Thủy” tại ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1 với 08 thành viên, vốn điều lệ 300.000.000 đồng. Đến nay, có 02 Hợp tác xã với 64 thành viên do Phụ nữ quản lý trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 1.500.000/lao động/tháng. Ngoài ra, trong năm còn thành lập mới 02 tổ hợp tác với 30 thành viên (gồm tổ hợp tác thêu thủ công tại ấp Long Hòa xã Gia Hòa 1 với 15 thành viên và tổ hợp tác đan đát tại ấp Minh Duy, xã Hòa Tú 2 với 15 thành viên). Nâng tổng số có 25 tổ hợp tác, giải quyết việc làm thường xuyên cho 503 thành viên với các mô hình: chăn nuôi bò sữa, trồng màu, tôm lúa, mua bán nhỏ, đan giỏ bẹ; đan năn tượng; thêu thủ công...
Ảnh: Lễ ra mắt “Tổ hợp tác đan năn tượng” ấp Minh Duy, xã Hòa Tú 2
Trong khuôn khổ đề án Đề án 939, hưởng ứng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã phát động rộng rãi đến tận cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện. Qua đó, đã chọn 11 bài dự thi ưu tú để dự thi cấp tỉnh và được Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng chọn 01 trong 05 dự án xuất sắc để dự thi cấp Trung ương. Đó là dự án của chị Lê Thị Thủy, ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1 với mô hình sử dụng nguyên liệu cây cỏ năn tượng để gia công đan đát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Dự án được Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương lựa chọn vào vòng bán kết của cuộc thi năm 2024.
Tiếp tục khảo sát nhu cầu, tạo điều kiện để các chị em được tiếp cận nguồn vốn, bắt đầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trong thời gian qua, Hội đã phối hợp giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh Sóc Trăng cho 780 thành viên của 52 tồ, với tổng số tiền 7 tỷ 660 triệu đồng cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, huyện Hội đã phối hợp giải ngân cho 04 chị có ý tưởng khởi nghiệp, vay số vốn 200.000.000 đồng. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn tín chấp từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền 60.000.000 đồng, giúp 06 chị khởi sự kinh doanh năm 2024. Tính từ năm 2017 đến nay đã giúp 60 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số vốn 1 tỷ 490 triệu đồng.
Tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng yếu thế, chưa có tay nghề và chưa có cơ hội tiếp cận việc làm, trong năm các cơ sở Hội phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tuyên truyền về kiến thức việc làm 36 cuộc, với 648 hội viên phụ nữ tham dự. Qua đó, đã mở mới 10 lớp dạy nghề với 180 thành viên, gồm các ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, đan đát hàng thủ công mỹ nghệ, may gia dụng. Sau học nghề có 174/180 chị có việc làm (chiếm 96,66%), tạo thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, các sản phẩm do chính phụ nữ làm ra đã có chỗ đứng nhất định tại địa phương và nhân rộng ra các tỉnh bạn. Qua đó, các chị đang từng bước khẳng định bản thân trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động khởi nghiệp.
Là một trong những phụ nữ khởi sự, kinh doanh khởi nghiệp thành công, chị Lê Thị Đợi, hội viên phụ nữ ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông khởi nghiệp với mô hình làm mắm tép. Chị chia sẻ: “Việc mạnh dạn đầu tư vào các ý tưởng tiềm năng của bản thân là tiền đề lớn trong việc lên kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp. Vấn đề cốt lõi trong việc khởi nghiệp chính là người phụ nữ phải vượt lên chính mình, vượt qua được các định kiến xã hội khiến phụ nữ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động đào tạo, học hỏi...”
Ảnh: Bằng sự năng động, khát vọng vươn lên, mô hình kinh doanh của các chị em phụ nữ đã đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình
Bằng sự nhanh nhạy, vượt khó của mình, các chị đã tìm tòi, học hỏi thông qua các kênh truyền thông. Hiện những ý tưởng khởi nghiệp của chị đã dần được hiện thực hóa, sản phẩm của các chị ngày càng có chất lượng, mẫu mã thay đổi phù hợp thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, các chị cũng gặp khó khăn về mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các ý tưởng quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư, chưa có tính ứng dụng công nghệ nhiều. Khả năng tiếp cận các chính sách về khởi nghiệp sáng tạo và huy động nguồn lực đầu tư cho các ý tưởng còn hạn chế.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp; vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế; phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu và định hướng hỗ trợ vốn, trang thiết bị để hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên; nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã hoạt động đúng theo Luật Hợp tác xã hiện hành, tiến tới phát triển thêm các hợp tác xã mới do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành nhằm tạo việc làm cho lao động nữ một cách hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng quê hương Mỹ Xuyên ngày càng thêm phồn vinh, giàu đẹp./.
Nguyễn Nhịn (Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên)